Sự ra đời đầy thú vị.
Vào thời xa xưa, khi máy photocopy vẫn chưa được phát minh thì việc sao chép tài liệu thường được viết tay hoặc dùng các loại giấy than thông thường. Việc sao chép như vậy đều rất bình thường với mọi người, họ hài lòng với cách làm đó. Tuy nhiên, với sự thông minh xuất sắc của mình Chester Carlson đã phát minh ra một loại máy có thể sao chép hàng ngàn tài liệu một cách nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm được lao động thủ công một cách đáng kể, người ta đặt tên cho nó là máy photocopy. Phát minh của ông đã tạo lên một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn mạnh, ảnh hưởng đến toàn nhân loại.
Chester Carlson là một luật sư, công việc của ông luôn liên quan đến giấy tờ, sổ sách. Ông luôn phải tạo ra rất nhiều bản sao của các loại giấy tờ, điều đó khiến ông cảm thấy vô cùng chán ngán và khó chịu, một phần vì ông bị bệnh viêm khớp nên việc sao chép giấy tờ một cách thủ công như vậy khiến ông càng cảm thấy không thoải mái.
Ông quyết định tìm ra một giải pháp mới cho công việc này. Nhờ sự thông minh cùng những lập luận logic, khoa học, ông đã thử nghiệm về tính quang dẫn, sau đó tự mình tạo ra những thiết kế cơ bản về chiếc máy photocopy và xin cấp bằng sáng chế năm 1938. Sau đó ông tìm cách đưa chiếc máy của mình đến nhiều hơn với người dùng bằng cách tiếp cận các công ty trong đó có cả Genneral Electric và IBM nhưng tất cả đều từ chối ông. Đơn giản họ nghĩ với cách sao chép tài liệu thủ công khiến họ hài lòng rồi và họ không cần tốn thêm một khoản tiền mới cho chiếc máy này.
May mắn đã mỉm cười với Carlson khi ông tìm được một khách hàng chấp nhận sản phẩm của ông, đó là Viện Battelle Memorial. Họ đã để ông tiếp tục phát triển nghiên cứu về chiếc máy và cải tiến công nghệ vượt trội hơn. Cho đến năm 1949, công ty Haloid trở thành công ty đầu tiên được cấp phép sản xuất và bán máy photocopy. Sau đó đến năm 1980, máy photocopy màu ra đời , bổ trợ những thiếu sót của máy photocopy đời đầu.
Nguyên lý hoạt động của máy photocopy
Một chiếc máy photocopy hoạt động dựa trên hai nguyên lý cơ bản: sự hút nhau của các điện tích trái dấu và xu hướng trở nên dẫn điện hơn của một số vật liệu sau khi hấp thụ bức xạ điện từ, như tia cực tím, hồng ngoại, ánh sáng khả kiến, v.v…

Đối với các loại máy photocopy hiện đại ngày nay, hầu hết đều hoạt động dựa trên công nghệ xerography – đây là một kỹ thuật photocopy khô, sử dụng các hạt tích điện để hút và sau đó sắp xếp, truyền dẫn các hạt mực lên một tờ giấy.
Cấu tạo chính của máy photocopy
Trống: Bao gồm lõi trống và mặt trống. Lõi trống được làm bằng kim loại phi từ tính, thành phần chủ yếu thường là nhôm. Mặt trống được phủ một lớp quang dẫn có tính chất nhiễm điện và cảm quang. Trống đảm nhiệm vai trò chính trong chính trong quá trình sao chụp nên đây được coi là một bộ phận vô cùng quan trọng của máy in.
Mực in: Mực in của máy photocopy ở dạng bột có màu đen hay còn gọi là "mực khô" – thực chất đây là hỗn hợp khô của các hạt Cacbon. Mực có 2 tính chất là nhiễm điện và chảy dính khi gặp nhiệt độ cao. Mực in có nhiệm vụ chính là thể hiện hình ảnh trên giấy mực, do đó chất lượng mực in sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng bản chụp
Lô sấy và Lô ép là hai bộ phận được bố trí song song với nhau. Lô sấy có dạng hình khối tròn, được làm bằng kim loại và có khả năng dẫn nhiệt tốt. Có nhiệm vụ nung nóng các hạt mực. Lô ép là một hình trụ tròn được làm bằng vật liệu đàn hồi có nhiệm vụ ép dính mực đã nóng chảy lên bề mặt giấy.
Quy trình hoạt động của máy photocopy.
Khi bắt đầu sao chép, nắp trên của máy photocopy được mở ra và mặt cần sao chép của bản gốc được đặt úp xuống mặt kính, một tia sáng sẽ quét qua toàn bộ tài liệu. Các vùng trắng trên giấy phản chiếu ánh sáng nhiều hơn, trong khi các vùng màu đen phản chiếu ít hoặc không phản chiếu ánh sáng. Sau đó, hình ảnh của bản chính sẽ được hình thành trên phần quang dẫn.
Máy in sẽ tạo ra điện tích âm trên toàn bộ bề mặt trống bằng cách cho trống quay 1 vòng, sau đó trống sẽ bị nhiễm điện tích âm khoảng -130V, điện tích âm này sẽ hút mực bám lên trống. Lúc này, bộ điều khiển sẽ điều khiển tia laser chiếu vào vị trí không muốn tạo ảnh, những vị trí này khi in ra sẽ là nền trắng còn vị trí có điện tích âm sẽ có chữ hoặc hình ảnh.
Một tờ giấy trắng được đưa vào máy photocopy từ phía bên kia, từ từ di chuyển về phía trống. Khi nó di chuyển trên trống, nó sẽ được "truyền" lượng điện tích dương mạnh mẽ. Lượng điện tích dương của giấy trắng sẽ kéo các hạt mực tích điện âm xuống và dính chặt vào giấy tại các vị trí định sẵn. Từ đó hình thành một bản sao của bản gốc trên tờ giấy trắng đó. Cuối cùng, ngay trước khi bản sao được “xuất bản”, nó sẽ in đi qua trục sấy (Fuser), trục này tỏa nhiệt khoảng 180 độ C để làm chảy mực in ra, mực in sẽ bám chặt vào giấy in sau đó đưa giấy in ra ngoài. Đây cũng là nguyên nhân giải thích cho việc bản photo thường nóng khi mới ra khỏi máy.